Truyền thống cách mạng Vũ Chính

Với lịch sử hàng ngàn năm dựng nước, giữ nước của dân tộc, nhân dân Vũ Chính luôn mang sẵn trong mình truyền thống đấu tranh kiên cường, bất khuất. Nhiều dòng họ đến với mảnh đất này từ nguyên cớ chống lại thế lực phong kiến họ Trịnh lấn át quyền hành vua Lê. Dưới chế độ phong kiến nhà Nguyễn hà khắc, năm 1827, nhân dân đã tích cực tham gia khởi nghĩa nông dân Phan Bá Vành, tên gọi cánh đồng Mả Mái[1] là địa danh lịch sử, nơi diễn ra trận đánh của nghĩa quân Phan Bá Vành với quân triều đình phong kiến và là nơi nhân dân địa phương chôn cất những nghĩa quân hy sinh.

Năm 1873, khi thực dân Pháp đem quân xâm lược Bắc kỳ lần thứ nhất, nhân dân địa phương tích cực tham gia nghĩa quân chống Pháp của cụ Nguyễn Mậu Kiến ở Động Trung (nay là Vũ Trung - Kiến Xương). Năm 1884, sau khi thực dân Pháp hoàn thành xâm lược nước ta, nhân dân địa phương tiếp tục tích cực tham gia các phong trào chống Pháp, chống áp bức bóc lột: phong trào rước Kỳ Đồng Nguyễn Văn Cẩm năm 1887, phong trào Duy Tân đầu thế kỷ XX. Tuy các phong trào này lần lượt thất bại, song đã góp phần duy trì, bồi dưỡng tinh thần yêu nước, tinh thần đấu tranh chống áp bức của nhân dân.

Truyền thống yêu nước, tinh thần đấu tranh bất khuất của nhân dân Tống Văn, Tống Vũ, Lạc Chính được phát huy cao độ dưới ánh sáng con đường cách mạng vô sản theo Chủ nghĩa Mác-Lênin. Giữa những năm 1920, khi lãnh tụ Nguyễn Ái Quốc truyền bá Chủ nghĩa Mác Lênin về Việt Nam, tại Lạc Chính đã có người thanh niên ưu tú Tống Văn Phổ là một trong những hội viên đầu tiên của Hội Việt Nam cách mạng thanh niên, Bí thư Tỉnh ủy đầu tiên của Đảng bộ tỉnh Thái Bình. Năm 1930, Đảng Cộng sản Việt Nam thành lập, nhân dân Tống Văn, Tống Vũ, Lạc Chính đã sớm giác ngộ theo Đảng, tích cực tham gia các phong trào cách mạng do Đảng lãnh đạo, vừa đấu tranh vừa xây dựng lực lượng, góp phần làm nên thắng lợi của cách mạng Tháng Tám năm 1945.

Qua 9 năm kháng chiến chống thực dân Pháp với muôn vàn khó khăn gian khổ và hy sinh nhưng vô cùng oanh liệt, quân và dân Tống Văn, Tống Vũ, Lạc Chính đã nêu cao tinh thần chiến đấu kiên cường và chiến thắng vẻ vang. Là địa phương có truyền thống đấu tranh kiên cường, bất khuất, ngay sau ngày cách mạng tháng Tám thành công, nhân dân Tống Văn, Tống Vũ, Lạc Chính đã tích cực tham gia củng cố chính quyền cách mạng, xây dựng tiềm lực kinh tế, quân sự chuẩn bị cho cuộc kháng chiến trường kỳ gian khổ. Những thành quả trên các lĩnh vực chính trị, quân sự, kinh tế và văn hóa trong những năm 1945-1950 là kết quả tổng hợp từ đường lối lãnh đạo của Đảng, tinh thần yêu nước và quyết tâm của toàn thể nhân dân Tống Văn, Tống Vũ, Lạc Chính. Cũng từ các phong trào cách mạng địa phương, nhiều con em ưu tú của nhân dân 3 thôn đã vinh dự được đứng trong hàng ngũ của Đảng, góp phần hình thành và phát triển các Chi bộ Hùng Thắng, Trần Lãm.

Từ năm 1950-1954, địa bàn Tống Văn, Tống Vũ, Lạc Chính thường xuyên là vùng chiếm đóng, càn quét của địch. Dưới sự lãnh đạo của Chi bộ, Hùng Thắng,Trần Lãm, quân dân Tống Văn, Tống Vũ, Lạc Chính đã đoàn kết một lòng với tinh thần “quyết tử cho tổ quốc quyết sinh”, trực tiếp chiến đấu và phục vụ chiến đấu, phối hợp cùng bộ đội và dân quân du kích lập nên nhiều chiến công vang dội, điển hình như các trận đánh diệt đồn An Tập (ngày 30/3/1950), diệt đồn Tống Văn (ngày 14/2/1952), chặn đánh tàn quân địch (ngày 30/6/1954)... Tuy là địa bàn tề, bị đồn bốt địch kìm kẹp, song với truyền thống trung dũng, kiên cường, quân dân Tống Văn, Tống Vũ, Lạc Chính vẫn một lòng theo Đảng, tích cực nuôi giấu nhiều đồng chí cán bộ của Thị ủy như các đồng chí Vũ Ngọc Nhạ, Đặng Trịnh... chùa Chanh (Tống Văn), chùa Xam (Lạc Chính), chùa Tống Vũ, đình Tống Văn, đình Tống Vũ, đình Xam, từ đường họ Nguyễn Xuân, họ Phan... nhiều lần là nơi tập kết quân số, vũ khí của bộ đội chủ lực, bộ đội địa phương, dân quân du kích tiến công vào địa bàn thị xã... địa bàn thôn Tống Vũ và trại Đống Nế từ năm 1952 là vùng căn cứ an toàn để Chi bộ Trần Lãm tổ chức các hoạt động xây dựng cơ sở, đấu tranh chính trị, binh vận trên địa bàn Lạc Đạo, Đồng Lôi, Kỳ Bá.

Bên cạnh đó, quân dân Tống Văn, Tống Vũ, Lạc Chính tích cực tham gia ủng hộ, đóng góp sức người sức của cho kháng chiến. Tổng kết trong 9 năm 1945-1954, Tống Văn, Tống Vũ, Lạc Chính có 172 thanh niên nhập ngũ, 315 người tham gia dân công hỏa tuyến, nhân dân đóng góp đường hàng trăm tấn lương thực, hàng chục lượng vàng và nhiều tài sản của cải ủng hộ kháng chiến. Kết thúc cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp thắng lợi, 24 người con ưu tú của Tống Văn, Tống Vũ, Lạc Chính đã anh dũng hy sinh, góp phần tô thắm truyền thống trung dũng kiên cường của quê hương. Ghi nhận những đóng góp to lớn của quân và dân địa phương ngày 23/5/2005 Chủ tịch nước Cộng hòa Xã hội Chủ nghĩa Việt Nam ký quyết định số 497/QĐ-CTN phong tặng danh hiệu: Anh hùng Lực lượng vũ trang nhân dân cho nhân dân và lực lượng vũ trang xã Vũ Chính đã có thành tích đặc biệt xuất sắc trong thời kỳ kháng chiến chống thực dân Pháp xâm lược.

Trong cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước 1954-1975, trên mảnh đất giàu truyền thống đấu tranh kiên cường, Đảng bộ và nhân dân đã trải qua nhiều thời kì lịch sử với những nhiệm vụ cụ thể khác nhau nhưng đều nhất quán thực hiện hai mục tiêu cách mạng là: xây dựng chủ nghĩa xã hội ở miền Bắc và đấu tranh để giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước.

Trong 21 năm đó, Chi bộ Đảng (từ 1960 là Đảng bộ) hai xã Vũ Chính, Vũ Lãm đã lãnh đạo nhân dân khôi phục kinh tế, hàn gắn vết thương chiến tranh, tiếp tục hoàn thành cuộc cách mạng dân chủ đem lại ruộng đất cho nông dân, xây dựng quan hệ sản xuất mới dựa trên hai hình thức sở hữu: sở hữu toàn dân và tập thể; thực hiện kế hoạch nhà nước 5 năm lần thứ nhất, góp phần xây dựng miền Bắc xã hội chủ nghĩa trở thành căn cứ địa của cách mạng cả nước. Các hợp tác xã nông nghiệp được thành lập và củng cố, tạo cơ sở vững chắc để phát triển kinh tế và các lĩnh vực văn hóa - xã hội, an ninh quốc phòng, hoàn thành mọi nghĩa vụ đóng góp với Nhà nước.

Nhận thức rõ sự nghiệp kháng chiến chống Mỹ cứu nước là nhiệm vụ thiêng liêng của cả dân tộc, từ năm 1965-1975, Đảng bộ và nhân dân phát huy cao độ tinh thần “thóc không thiếu một cân, quân không thiếu một người”, “tất cả vì miền Nam ruột thịt”. Tổng kết chung trong 21 năm (1954-1975), xã Vũ Chính và thôn Tống Vũ đóng góp gần 6.000 tấn lương thực, gần 300 tấn thực phẩm, tỷ lệ huy động lương thực đóng góp và bán nghĩa vụ cho nhà nước luôn chiếm từ 30-35%. Với tinh thần “Xẻ dọc Trường Sơn đi cứu nước”, 652 thanh niên đã tham gia quân đội (chiếm 15% so với tỷ lệ dân số năm 1965), 126 thanh niên tham gia thanh niên xung phong, dân công hỏa tuyến. Dấu chân của con em quê hương in khắp chiến trường ba nước Đông Dương, có mặt trong những chiến dịch gian khổ, ác liệt nhưng đầy vẻ vang: tết Mậu Thân 1968, đường 9 Nam Lào 1971, Quảng Trị 1972, Đông Nam bộ 1972 và Đại thắng mùa xuân năm 1975. Toàn xã có 113 quân nhân anh dũng hy sinh cho sự nghiệp kháng chiến chống Mỹ, giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước.

Sau năm 1975, các thế lực thù địch liên tiếp gây thêm 2 cuộc chiến tranh ở biên giới Tây Nam, biên giới phía Bắc, quân và dân Vũ Chính một lần nữa hiến dâng máu xương cho sự toàn vẹn lãnh thổ của tổ quốc, cho nghĩa vụ quốc tế vẻ vang. Tổng kết 71 năm đấu tranh giải phóng dân tộc và bảo vệ Tổ quốc Việt Nam xã hội chủ nghĩa (1945-2016), toàn xã Vũ Chính có 1.869 thanh niên tham gia quân đội, hàng nghìn lượt người tham gia dân quân, du kích, hàng trăm người là thanh niên xung phong, dân công hỏa tuyến, toàn xã có 159 liệt sỹ, 105 thương, bệnh binh, 14 mẹ Việt Nam anh hùng.


[1]. Nay là khu vực Công ty Cổ phần giống cây trồng Thái Bình seed